Khu Công Nghiệp Cần Thơ
Qua 20 năm phát triển, các KCX&CN Cần Thơ thu hút vốn đầu tư khá tốt, đặc biệt trong 04 năm: 2006, 2007, 2008, 2009 đã thu hút được 1.400 triệu USD chiếm, 65% tổng vốn đăng ký trong 20 năm
Hình ảnh Khu Công Nghiệp Cần Thơ
Hiện nay, thành phố Cần Thơ có 08 KCN với tổng diện tích khoảng 2.267ha, diện tích đã cho thuê 567,19ha, giải quyết việc làm cho trên 32.000 lao động, trong đó có 64 lao động người nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, các KCX&CN thành phố Cần Thơ đã thu hút được 05 dự án mới với tổng vốn đăng ký 47,9 triệu USD và điều chỉnh 12 giấy chứng nhận đầu tư với 1,8 triệu USD. Tình hình thu hút đầu tư 9 tháng đầu năm giảm hơn so với cùng kỳ năm 2013. Tính đến nay, các KCX&CN Cần Thơ có 214 dự án còn hiệu lực (trong đó có 191 dự án đang hoạt động, 18 dự án đang xây dựng, 05 dự án chưa triển khai). Có 22 dự án FDI đang hoạt động, 01 dự án đang xây dựng với tổng vốn đầu tư đăng ký là 203,536 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện là 171,315 triệu USD, chiếm 84,15% vốn đăng ký.
Qua 20 năm phát triển, các KCX&CN Cần Thơ thu hút vốn đầu tư khá tốt, đặc biệt trong 04 năm: 2006, 2007, 2008, 2009 đã thu hút được 1.400 triệu USD chiếm, 65% tổng vốn đăng ký trong 20 năm. Thành tựu lớn nhất của các KCX&CN Cần Thơ là đã lấp đầy KCN Trà Nóc 1 diện tích 135ha; 92% diện tích KCN Trà Nóc 2; và lấp đầy giai đoạn 1 và 2 của KCN Thốt Nốt diện tích 50ha; đã tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố gần 30%, tạo nên giá trị sản lượng công nghiệp đứng đầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN thành phố Cần Thơ sụt giảm nghiêm trọng, mặc dù địa phương có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp hơn một số tỉnh vùng ĐBSCL, đặc biệt giai đoạn 2010 – 2014 Chính phủ đầu tư rất lớn cho ĐBSCL, các công trình tiêu biểu đã đầu tư cho Cần Thơ như: Cầu Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Sân bay Quốc tế Cần Thơ, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, đã khởi công cầu Vàm Cống nằm trên quận Thốt Nốt – thành phố Cần Thơ, mở rộng quốc lộ 1 đoạn từ Cảng Cần Thơ đi tỉnh An Giang, đoạn Cần Thơ đi Hậu Giang và Sóc Trăng và mới đây, ngày 6/10/2014, Bộ Giao thông Vận tải khởi công dự án kênh Quan Chánh Bố và chuẩn bị khởi công đoạn đường cao tốc từ ngã ba Trung Lương đi Cần Thơ, sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các tỉnh trong vùng.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng thu hút đầu tư vào các KCX&CN Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung sụt giảm? Điều này đòi hỏi chúng ta phải phân tích hết sức khách quan, đúng đắn để có những giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy công nghiệp ĐBSCL nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng phát triển, vì thành phố Cần thơ có vị trí trung tâm ĐBSCL, công nghiệp thành phố Cần Thơ phát triển sẽ là đầu tàu thúc đẩy các tỉnh trong vùng cùng phát triển. Những nguyên nhân được nêu dưới đây chỉ mang tính chất trao đổi, chuyên môn, không mang tính chất đại diện cơ quan quản lý nhà nước KCN của địa phương, có thể tóm tắt như sau:
Do khủng hoảng kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam, tỉ lệ lạm phát cao, lãi suất ngân hàng thương mại tăng có lúc tăng đến 18 – 22%/năm. Mặc dù, hiện tại lạm phát đã được ngăn chặn, lãi suất giảm còn 7 – 12%/năm. Công nghiệp của ĐBSCL chủ yếu là công nghiệp chế biến như: gạo, cá da trơn, tôm, mía, dừa, trái cây, gỗ băm… nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp không nhiều và không đa dạng, chủ yếu là nông thủy hải sản, năng lượng, một ít lâm nghiệp, đất sét, đá vôi ở Kiêng Giang, đá ở An Giang, nước ngầm, cát sông…. Các tài nguyên khoáng sản để phát triển công nghiệp nặng thường nằm ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, khu vực Tây Nguyên.
Diện tích đất của ĐBSCL phần lớn đều nằm trên nền địa chất yếu, trừ khu vực vùng núi tỉnh An Giang, Kiên Giang và hệ thống giồng cát dọc ven biển của các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre… chi phí xây dựng cơ bản thành phố Cần Thơ cao hơn các vùng khác từ 20 – 30% thậm chí có vùng đất rất yếu chi phí phần móng của công trình cao tầng (khoảng 5-6 tầng) lên đến 35% trên toàn bộ giá trị công trình, thời gian thi công thường kéo dài, nhất là mùa lũ, có năm lũ về sớm, đỉnh lũ cao phải ngưng thi công, nhất là vào các tháng 9, 10,11 đã làm cho các nhà đầu tư ngành công nghiệp nặng ít đến Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL.
Mô hình KCX, KCN, KKT, khu công nghệ cao… (gọi tắt là KCN) cũng có nhiều thay đổi, các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN về thuế thu nhập doanh nghiệp không còn, các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN Cần Thơ không còn được hưởng ưu đãi theo địa bàn mà chỉ còn ưu đãi ngành nghề và sản phẩm. Thủ tục hành chính một cửa và một cửa liên thông tại chỗ đối với KCN của Việt Nam là tương đối thuận lợi, ưu việt, hấp dẫn và hiệu quả so với các nước trong khu vực. Nhưng những năm gần đây, bộ thủ tục hành chính này đang bị thay đổi và phá vỡ theo chiều hướng bất lợi cho nhà đầu tư và có khả năng làm cho nhà đầu tư hạn chế đầu tư vào các KCN, vì đầu tư vào các KCN không còn hấp dẫn và thuận lợi.
Trong qui hoạch phát triển các KCN Việt Nam và các tỉnh ĐBSCL thì có trên 50% KCN là thành công, số còn lại đang gặp nhiều khó khăn trên phương diện thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, cơ chế hoạt động, kinh doanh. Tính chất dàn trải, thiếu tập trung về không gian, ngành nghề, sản phẩm… cơ chế, chính sách thay đổi thường xuyên, nhất là luật đất đai, thuế, môi trường…, thiếu đồng bộ đã làm suy yếu tính ưu việt của mô hình quản lý nhà nước về KCN. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong từng vùng và khu vực đã làm cho hiệu quả kinh tế – xã hội thấp. Việc qui hoạch thêm nhiều KCN, KKT ở một số địa phương đã có KCN chưa lấp đầy (dưới 50% diện tích) dẫn đến tình trạng đất bỏ hoang, sử dụng đất kém hiệu quả cũng là nguyên nhân tạo ra sự bất bình trong dư luận. Riêng các KCN Cần Thơ hiện đang thiếu đất sạch. Giá thành 1m2 đất công nghiệp tương đối cao, nhất là 03 KCN ở phường Hưng Phú thuộc quận Cái Răng, giá thuê lại đất cũng cao từ 03 – 05 lần so với giá thuê lại đất của các tỉnh xung quanh như: Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang…
Quy mô các dự án ở KCN Cần Thơ phần lớn là vừa và nhỏ, công nghệ thấp, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều diện tích đất và nhiều lao động phổ thông, suất tiêu hao nhiên liệu cao, mức lương thu nhập thấp bình quân từ 02 – 05 triệu đồng/tháng; các chế độ, chính sách về bảo hiểm y tế, xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, các tiêu chuẩn và phúc lợi xã hội khác cho người lao động thấp như: thiếu nhà ở công nhân, khu vui chơi, giải trí…. nên phần lớn họ không thiết tha và gắn bó với nhà máy. Vì vậy, xảy ra tình trạng biến động lao động phổ thông cũng như lao động lành nghề dịch chuyển sang các địa phương có thu nhập cao hơn như ở các khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và các địa phương khác trong cả nước, mặc dù Cần Thơ có lợi thế là nằm ở trung tâm ĐBSCL, nơi mà dân số gần 20 triệu người, là thị trường tiêu thụ hàng hóa công nghiệp rất lớn mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng như trong nước quan tâm, là nơi có điều kiện phát triển ngành công nghiệp nhẹ (công nghiệp hàng tiêu dùng) như: sản phẩm nhựa, may mặc, điện gia dụng, hóa chất, dược, kim khí, mỹ phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác.
Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu làm cho nước biển dâng. Các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, Liên hiệp quốc… dự báo ĐBSCL có thể bị ngập cả mét nước, và có khi lên đến một mét rưỡi, tuy chưa biết thời gian chính xác nhưng trước mắt việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác kêu gọi đầu tư tại Cần Thơ. Bởi khi nhận được thông tin này, các nhà đầu tư nước ngoài rất phân vân khi quyết định đầu tư lâu dài ở ĐBSCL, trong đó có Cần Thơ.
Trong những năm qua, lãnh đạo thành phố Cần Thơ rất quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư với việc đầu tư khá lớn từ ngân sách cho lĩnh vực này và đã đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với yêu cầu, công tác xúc tiến đầu tư tại Cần Thơ còn nhiều hạn chế cần phải thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Công tác xúc tiến đầu tư nên theo hướng xã hội hóa, trước khi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài cũng như trong nước phải có đối tác cụ thể, không nên tổ chức quá nhiều đoàn ra nước ngoài mà công tác chuẩn bị không kỹ, không am hiểu về đối tác, lĩnh vực và ngành nghề thu hút đầu tư, luật pháp, phong tục tập quán nước sở tại, đặc biệt về luật chuyển giao công nghệ ra nước ngoài của các nước tiên tiến như: Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… Điển hình như Nhật Bản, Chính phủ chỉ cho phép các doanh nghiệp chuyển giao các sản phẩm sản xuất ra nước ngoài như: xe ô tô, các loại máy giặt, máy lạnh, máy tính… không quá 58% chi tiết/tổng số chi tiết để lắp hoàn chỉnh một sản phẩm (thường gọi là sản phẩm phụ trợ), do vậy các nhà đầu tư Việt Nam cần tranh thủ quan hệ, hợp tác, liên kết, liên doanh để được hỗ trợ, chuyển giao vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực… để sản xuất những sản phẩm phụ trợ cho các tập đoàn lớn của các nước tiên tiến mà chúng ta có mối quan hệ tốt đẹp.
Vốn thu hút đầu tư vào các KCX&CN Cần Thơ từ năm 1995 đến tháng 9/2014 được thể hệ cụ thể qua biểu đồ 1.
Kết quả thu hút đầu tư trên cho thấy, vốn đầu tư vào các KCX&CN Cần Thơ mạnh nhất vào các năm 2006, 2007, 2008 và 2009. ở giai đoạn này, có khá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các KCN Cần Thơ, vốn đăng ký đầu tư cũng tăng nhanh, tác dụng tích cực thúc đẩy giá trị sản lượng công nghiệp tăng mạnh ở những năm tiếp theo (năm 2010, 2011, 2012), tuy nhiên, sang năm 2013 giá trị sản lượng công nghiệp bắt đầu giảm xuống (Biểu 2).
2 biểu đồ thể hiện về kết quả thu hút đầu tư và giá trị sản lượng công nghiệp trong các KCX&CN Cần Thơ trong những năm vừa qua cho thấy, giá trị sản lượng công nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tiếp tục giảm so với giai đoạn 2010-2015 nếu không có những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá.
Sau khi thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang được tách ra từ tỉnh Cần Thơ (năm 2004), ngày 17/02/2005, Bộ Chính trị có ra Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến ngày 20/3/2009 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 366/QĐ-TTg về việc thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thành phố Cần Thơ được Trung ương đầu tư khá lớn, trong đó có 18 dự án do Bộ làm chủ đầu tư gần 70.000 tỷ đồng và trên 90 dự án do UBND thành phố Cần Thơ quản lý, đã tạo nên cơ sở vật chất tương đối tốt và khang trang. Nhưng đến nay, thành phố Cần Thơ vẫn chưa có cơ chế đặc thù đủ mạnh và hiệu lực để lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Cần Thơ quyết định nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 45-NQ/TW, nếu thực hiện như cơ chế hiện nay thì thành phố Cần Thơ sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.